Nhóm Mặt Trời Đỏ
Tiểu sử/ profile "Nhóm Mặt Trời Đỏ"
Ca sĩ/ ban nhạc: Nhóm Mặt trời đỏ
Tên thật/ tên đầy đủ: Nhóm Mặt trời đỏ
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập:09_2005
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Trưa Sài Gòn rực nắng. Vòng qua nhiều con hẻm, ngôi nhà nhỏ của ca sĩ Hồ Nga đón tôi bằng cái nóng ngột ngạt. Năm thành viên của nhóm đã có mặt tự bao giờ. Họ đang chuẩn bị cho buổi tập bài hát mới - Mưa tháng giêng của nhạc sĩ Việt Hùng và biên tập nhạc cho phần trình diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam vào cuối tháng 12/2006.
Những giai điệu quen thuộc được thay bằng tiết tấu khác lạ. Sự hiện đại ngự trị trên những phím đàn dân tộc. Mặt Trời Đỏ đón tôi bằng cảm giác "nóng bỏng" như thế.
Năm cô gái là năm tính cách khác biệt, cả trong phong cách chơi nhạc lẫn suy nghĩ. Vậy mà họ đã kết thành một nhóm ít nhiều gây được tiếng vang trong làng nhạc Việt dù chỉ vừa thành lập từ tháng 9/2005. Minh Hà nhuần nhuyễn với cây tam thập lục và sáo. Thu Thủy réo rắt cùng đàn nhị. Minh Loan uyển chuyển với giai điệu mượt mà của đàn tranh. Hồ Nga chuyên nghiệp với T"rưng. Cẩm Hà điềm đạm cùng tiếng đàn bầu và cô "út" Hoài Phương chững chạc bên cây tỳ bà cổ xưa. Nhìn họ chơi nhạc, kiên trì luyện tập trong cái nóng hầm hập của Sài Gòn, những giọt mồ hôi lăn dài trên má mới biết tình yêu của năm cô gái trẻ dành cho âm nhạc dân tộc quá lớn. Tình yêu đó không còn là xúc cảm mà chuyển sang đam mê. Con hẻm nhỏ bỗng sôi nổi những tiết tấu của pop, rock, của jazz, dance trộn lẫn trong giai điệu mượt mà nhạc dân tộc và giọng solo của từng thành viên.
* Chào năm cô gái xinh đẹp. Các bạn có thể cho biết tại sao nhóm lại mang tên Mặt Trời Đỏ mà không là một cái tên đượm vẻ mềm mại, mượt mà hơn? Thoạt nghe, cứ ngỡ đây là một girl band chuyên chơi nhạc pop, rock chứ chẳng phải nhạc dân tộc.
- Đó là cái tên mà cả nhóm phải nhiều đêm suy nghĩ. Chúng tôi muốn đem tình yêu âm nhạc dân tộc với nhiều khát khao nóng bỏng như ánh mặt trời của chúng tôi truyền đến khán giả qua một lăng kính khác: hiện đại và có chút gì đó cách tân hơn. Mặt Trời Đỏ cũng là niềm hy vọng của cả nhóm như buổi ban mai đầy sức sống một ngày mới. Chúng tôi muốn sự thăng hoa của nhóm mang đến cho khán giả cảm xúc âm nhạc mới.
* Hát nhạc dân tộc trên nền nhạc rock, pop, jazz, thậm chí có cả acapella với trang phục "bốc lửa", chẳng chút gì e ấp, các bạn muốn tạo cho khán giả một phong cách nhạc dân tộc mới lạ hay cốt chỉ để "gây sốc", chơi nổi?
- Chúng tôi đến với nhau như một cuộc dạo chơi, rất thoải mái vì không chịu bất cứ áp lực nào từ danh tiếng hay tiền nong. Ý nghĩ đơn giản nhất chỉ là làm sao khán giả đừng quay lưng với nhạc dân tộc, hiểu thêm về nền âm nhạc truyền thống của cha ông. Năm người chúng tôi đều đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, TP.HCM và Huế. Mặt Trời Đỏ chỉ mang chút kiến thức đã học được thể hiện lại nhạc dân tộc với hình thức mới mang tính đương đại. Tuy nhiên, nói là chơi nhưng chúng tôi vẫn có định hướng rõ ràng về nghề bằng việc mời các nhạc sĩ như Bảo Phúc, Kim Quang, Quốc Trung, Lê Quang, Võ Thiện Thanh... hòa âm, phối khí lại những bản nhạc dân tộc như Trống cơm, Lý ngựa ô, Xe chỉ luồn kim... trên nền nhạc hiện đại. Ngoài ra chúng tôi còn biểu diễn cả những bài hát mới mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ Đức Trí, Nguyễn Cường... như bài Nắng có còn xuân hay Mái đình làng biển rất được khán giả ưa thích.
Ngoài khả năng ca hát, các thành viên của nhóm Mặt Trời Đỏ đều có nghề tay trái để nuôi sống gia đình và bản thân. Thu Thủy đang là Giám đốc Công ty TV Direct của Thái Lan chuyên bán hàng qua mạng. Minh Hà phụ trách kinh doanh công ty phân phối đàn piano của Nhật Bản. Hoài Phương hiện là diễn viên Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, Minh Loan và Hồ Nga là giảng viên nhạc cụ dân tộc.
Với họ, cuộc chơi chỉ mới bắt đầu, mở ra cho họ khả năng sáng tạo đậm phong cách riêng, tạo nên dấu ấn của Mặt Trời Đỏ.
* Nói đơn giản thế nhưng để làm sống lại những bài hát dân ca bằng nhạc cụ dân tộc được thể hiện trên nền nhạc hiện đại chắc là không dễ. Vậy thì đâu là tiêu chí quan trọng nhất để các bạn thực hiện ý tưởng này?
- Dù có sáng tạo như thế nào đi nữa chúng tôi vẫn phải tuân theo nguyên tắc: giữ được hồn của bài hát tức là giữ được hồn của dân tộc. Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo không ngừng nghỉ để có bước phát triển. Ai quan niệm âm nhạc cứ mãi bất biến là người bảo thủ. Âm nhạc gắn liền với cuộc sống là vì thế, luôn vận động để phát triển không ngừng.
* Và Mặt Trời Đỏ dám chắc mình không là những "kẻ phá phách" nền âm nhạc dân tộc nước nhà bằng việc thổi vào đó luồng gió mới của âm nhạc đương đại?
- Chắc chắn là không. Chúng tôi muốn khán giả cảm nhận rằng nhạc dân tộc cũng cần thay đổi theo cách nhìn mới. "Lối mòn" từ phong cách trình diễn lẫn nghệ thuật hòa âm, phối khí bao nhiêu năm qua đã phần nào làm giới trẻ nhàm chán. Chúng tôi muốn nhạc dân tộc không phải chỉ dành cho người lớn tuổi mà phải dành cho cả giới trẻ. Chính họ sẽ là những người bảo tồn, phát huy nền âm nhạc này.
* Phải chăng đó là cách hay nhất để thoát khỏi sự kêu gào bảo vệ văn hóa dân tộc bằng khẩu hiệu?
- Đúng thế. Hãy làm cho những người trẻ yêu âm nhạc của chính dân tộc mình. Họ sẽ biết cách làm gì để gìn giữ và phát triển nó trong tương lai.
* E rằng các bậc "trưởng lão", các chuyên gia về nhạc dân tộc chưa chắc đã đồng tình với quan điểm khá táo bạo này của các bạn?
- Chúng tôi đã tham khảo ý kiến và được sự chỉ bảo rất tận tình của thầy Nguyễn Văn Đời, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc Nhạc viện TP.HCM. Hy vọng là một ngày gần đây, chúng tôi sẽ có dịp trao đổi thêm về vấn đề này với giáo sư nhạc sĩ - tiến sĩ Trần Văn Khê.
* Đành rằng các bạn đã tốt nghiệp Nhạc viện, tất nhiên có kiến thức sâu rộng về âm nhạc dân tộc nhưng như thế đã đủ chưa khi mà lỗ hổng về kiến thức ở thể loại nhạc nhẹ, nhạc pop rock, dance, jazz vẫn còn quá lớn?
- Ở Việt Nam không thể đào đâu ra nơi dạy sáng tác nhạc nhẹ hoặc nhạc pop rock, jazz, dance, R&B... là những trào lưu nhạc hiện đại đang "làm mưa làm gió" khắp toàn cầu. Hầu hết những nhạc sĩ của chúng ta hiện nay cũng đều tự học sáng tác ca khúc là chính, ít ai được đào tạo bài bản. Một vài người may mắn được học khoa lý luận sáng tác rồi... thôi. Chúng tôi cũng thế. Những bước đi đầu luôn khó khăn và dễ ngã quỵ nhất. Chúng tôi phải tự học qua sách vở, qua tiếp xúc giao lưu với các đồng nghiệp ở nước ngoài trong những chuyến xuất ngoại biểu diễn. Chúng tôi quan niệm không tạo "sốc" vì qua cơn sốc, chẳng còn gì mới mẻ nữa khán giả sẽ quên ngay. Hy vọng nhiều nhạc sĩ sẽ giúp sức để chúng tôi đứng vững trên con đường đã chọn. Mới thành lập hơn một năm thôi nhưng chúng tôi đã tham dự nhiều chương trình lớn như Festival Huế, Duyên dáng Việt Nam, Hoa hậu 2006, Hội nghị APEC...