Minh Trang
Tiểu sử/ profile "Minh Trang"
Ca sĩ/ ban nhạc: Minh Trang
Tên thật/ tên đầy đủ: Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập: 18/08
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Nhóm/đại diện: Ca sĩ Tự Do
Như một định mệnh, cô bé tên Nguyễn thị Ngọc
Trâm ra đời vào ngày 18/8/1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến
Ngự, thành phố Huế. 25 năm sau, một khúc hát bất hủ mang tên "Đêm Tàn
Bến Ngự" lại ra đời, được viết nên bởi một nhạc sĩ tài hoa, đã gắn liền
với tên cô, lúc đó đã trở thành một danh ca mang tên Minh Trang. Tác
giả bản nhạc đó là Dương Thiệu Tước, cũng là người chồng sau này của
cô, cả hai đã tạo nên một gia đình âm nhạc và để lại cho thế gian những
tình khúc bất tử. Ở Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều
tới Mỹ Lương Công Chúa hay Bà Chúa Nhứt, là chị ruột của Vua Thành
Thái. Bà là người giòng giõi nhưng không câu nệ, tính rất nghệ sĩ.
Trong nhà bà Chúa có nuôi hẳn một ban hát tới mấy chục người và có
riêng một ban ca Huế. Vị công chúa đó là bà ngoại của ca sĩ Minh Trang,
do đó khi lớn lên, vì thân phụ là cụ Nguyễn Hy nhiều khi phải đáo nhậm
những nhiệm sở xa, bà Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại.Nhờ
những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy
tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai,
Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy... Tuy nói giọng Quảng vì thân phụ bà là
gốc người Quảng Ngãi, chất Huế trong người bà đã khiến cho bà hát bản
"Đêm Tàn Bến Ngự" một cách dễ dàng như chính tác giả đã viết bài này ra
để dành riêng cho cho bà, người ca sĩ, đó là Minh Trang. Lớn lên
trong khung cảnh của một danh gia vọng tộc một thời ở đất thần kinh,
cũng như những gia đình khác có lẽ tân nhạc vẫn còn là một điều gì mới
mẻ, tuy vậy bà Minh Trang là người sớm hấp thụ nền văn hóa tây phương.
Lúc nhỏ bà theo học trường Jeanne d' Arc, một trường dòng danh tiếng ở
Huế và đã bắt đầu làm quen với những phím dương cầm từ đó. Lên
trung học, bà theo gia đình ra Hà Nội. Vào khoảng 1941, thân phụ bà về
nhậm chức tại Bộ Lại (tức là bộ Nội Vụ) tại Huế, bà lại theo về học tại
Lycée Khải Định. Tại đây bà gặp một ông thầy dạy Việt Văn là ông Ưng
Quả, cũng là vị "phụ giáo" của triều đình Huế (dạy thái tử Bảo Long).
Hai người, một thầy, một trò đã tỏ ra tâm đầu ý hợp và tiến đến hôn
nhân.