Lê Tuấn
Tiểu sử/ profile "Lê Tuấn"
Ca sĩ/ ban nhạc: Lê Tuấn
Tên thật/ tên đầy đủ: xxx
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập:
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Những năm 80, sân khấu ca nhạc có chàng sinh viên ĐH Kinh tế nổi lên như một ngôi sao. Tên tuổi anh gắn liền với nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trong nhóm sáng tác trẻ thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên như Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Phạm Đăng Khương, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Hiên, Thế Hiển...
Thời đó, đi đâu cũng nghe tiếng hát của anh trong các ca khúc trẻ trung sôi động của tuổi trẻ: Áo trắng sân trường, Tháng năm học trò, Mong đợi ngậm ngùi, Như cơn gió vô tình, Người yêu nhỏ xinh, Phượng hồng và đặc biệt bài Nhánh lan rừng trở thành bài hit của anh từ năm 1985. Người đó là ca sĩ (CS) Lê Tuấn.
Đoạt huy chương vàng Tiếng hát sinh viên Trường ĐH Kinh tế, Lê Tuấn may mắn được vợ chồng cô giáo Kiều Bạch - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nâng đỡ. Sau đó, anh trở thành giọng ca chính của Nhà Văn hóa Thanh Niên, được nghệ sĩ Thanh Trì cho học đặc cách ba tháng lớp thanh nhạc do Nhà hát Bông Sen đào tạo.
Năm 1983, cùng với CS Nguyễn Hưng, Lê Tuấn vượt qua gần một ngàn thí sinh để trở thành CS chính thức cho đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn, trước khi trở thành “hiện tượng trong giới âm nhạc” và là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh thập niên 1985 - 1995. Lê Tuấn thường song ca với Nhã Phương, Phương Dung, Thủy Tiên trong những ca khúc trữ tình nhưng remix theo dạng liên khúc được ưa chuộng một thời.
Rất nhiều người thích giọng hát và phong cách Lê Tuấn, dù theo họ, giọng anh không phải quá xuất sắc, nhưng "không rên rỉ hay gào thét làm trò như nhiều CS bây giờ". Có người thích anh hát Đón xuân này nhớ xuân xưa một cách nhẹ nhàng mà đầy tình cảm; có người thích anh hát Phượng hồng vì anh nhả giọng “mềm và đặc biệt lắm”. Có người nhớ anh với các ca khúc quốc tế như Hey, Hello!...
Mỗi người một cảm nhận riêng, khiến đôi lúc không biết Lê Tuấn theo dòng nhạc nào là chính. Nhạc xưa, nhạc trữ tình, pop, rock… loại nào cũng thấy anh hát và hát rất được. Điều chung dễ thấy nhất có lẽ là tính cách và trang phục biểu diễn của chàng CS này rất ư… con gái.
Lê Tuấn không phủ nhận điều đó. Thậm chí, anh còn “chỉ đường”: “Ai muốn hiểu đúng con người tôi thì đọc hết 120 chương trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng của văn hào Trung Quốc Tào Tuyết Cần”. Bởi, anh luôn thấy mình là Giả Bảo Ngọc ở Việt Nam. Sống trong môi trường xung quanh toàn phụ nữ: mẹ, dì, em gái… những người có thói quen đi nhẹ, nói khẽ, còn ăn thì "sườn chặt, táo cắt, chuối bẻ đôi"… dù không muốn anh cũng nhiễm phong thái yểu điệu thục nữ của các quý bà. Và chính anh thừa nhận “so với bạn bè cùng tuổi, cùng giới, tôi luôn là người hiểu phụ nữ hơn ai hết”.
Năm 1993, Lê Tuấn kéo cô em gái của mình là Hồng Ngọc theo múa minh họa, sau đó hát chung. Nhưng Hồng Ngọc không bay lên với nghiệp CS như anh trai mong đợi mà lấy chồng rồi yên phận với vị trí một cô giáo dạy tiếng Anh. Còn anh, năm 1994, anh cũng thử sức trong lĩnh vực điện ảnh, tham gia bộ phim Sóng tình của nghệ sĩ Lý Huỳnh, đóng cặp với hai người đẹp Mộng Vân và ca sĩ Y Phụng, nhưng anh cũng tự nhận thấy mình không phù hợp với loại hình nghệ thuật nhiều áp lực này.
Sau đó, Lê Tuấn có hai lần xuất hiện trên sân khấu của chương trình ca nhạc Duyên dáng Việt Nam lần thứ 2 (1995) và 3 (1996). Vẫn theo tiêu chí “kỷ niệm học trò”, trong hai lần biểu diễn này anh chọn Trường xưa lối về, và Cô bé u sầu để hát đơn ca. Anh còn hát song ca liên khúc Tuổi học trò cùng CS Thủy Tiên. Có lẽ đó là những bài hát đánh dấu sự từ biệt dù không nói ra của anh dành cho những sân khấu lớn.
Từ đó, người ta không còn thường xuyên thấy anh xuất hiện trên màn ảnh truyền hình hay các chương trình ca nhạc quy mô lớn, thay vào đó là sự có mặt của anh ở sân khấu Trống Đồng hoặc Cầu Vồng 126, vẫn giữ nguyên phong cách lịch thiệp chào từ biệt khán giả bằng "nụ hôn môi xa" quý phái. Sau đó, anh bặt tăm không một lời giải thích. Nhắc lại chuyện cũ, anh bảo tre già măng mọc là quy luật tự nhiên. Hiểu điều ấy để thấy rút lui trong danh dự cũng là chiến thắng vậy.